Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu năm 2014
Tết Trung thu là dịp người dân cả nước sử dụng các loại thực phẩm tăng cao đột biến cả về số lượng và chủng loại, đặc biệt là các loại thực phẩm truyền thống như bánh các loại, nhất là các loại bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo...), mứt kẹo; bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây; các dịch vụ ăn uống... Chính vì vậy công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cần được tăng cường.
Nhằm làm tốt công tác bảo đảm ATTP, căn cứ Luật ATTP, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và Kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ATTP năm 2014, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP xây dựng Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP trong dịp Tết Trung thu năm 2014 như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở thực phẩm, trong đó tập trung chủ yếu vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm.
2. Đánh giá công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết trung thu của các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện đến xã, phường.
3. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về ATTP, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn xã hội.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THANH TRA, KIỂM TRA
1. Đối tượng thanh tra, kiểm tra
1.1 Đối tượng thanh tra, kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, ưu tiên các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt kẹo; bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây; các dịch vụ ăn uống...,. Trong đó, các đoàn của Trung ương và tuyến tỉnh sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm cung cấp với số lượng lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do các đoàn kiểm tra liên ngành của cấp huyện, xã thực hiện.
1.2 Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn thanh tra, kiểm tra của tuyến trên sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP của tuyến dưới để nắm bắt tình hình công tác bảo đảm ATTP, việc triển khai các biện pháp quản lý ATTP tại mỗi cấp.
2. Nội dung thanh tra:
2.1 Căn cứ pháp lý để thanh tra, kiểm tra:
- Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
- Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.
- Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 về sản xuất, kinh doanh rượu.
- Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về ghi nhãn hàng hóa.
- Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT/BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09/4/2014 của Liên Bộ Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về ATTP.
- Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 quy định điều kiện chung bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 9/11/2012 hướng dẫn việc công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP.
- Thông tư số 27/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm.
- Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 5/12/2012 Quy định về điều kiện ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
- Các Quy chuẩn quốc gia, quy định về ATTP.
- Các Thông tư của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương quy định về bảo đảm ATTP theo từng lĩnh vực.
2.2 Nội dung thanh tra
2.2.1 Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung kiểm tra:
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy).
- Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Hồ sơ công bố sản phẩm (đối với những sản phẩm phải công bố).
- Nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm (đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn).
- Tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo (đối với những cơ sở có quảng cáo sản phẩm thực phẩm).
- Hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm, phiếu kiểm nghiệm định kỳ.
- Điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật ATTP và Thông tư của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương.
- Quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm.
- Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm.
- Nguồn nước dùng cho chế biến thực phẩm.
- Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP theo quy định.
2.2.2 Đối với cơ sở dịch vụ ăn uống:
+ Điều kiện bảo đảm ATTP (cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, con người);
+ Quy trình chế biến bảo quản thực phẩm;
+ Nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm;
+ Việc lưu mẫu thức ăn;
+ Việc bảo đảm nước sạch dùng cho chế biến thực phẩm;
+ Các nội dung khác có liên quan.
+ Lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết.
2.2.3 Đối với cơ sở thức ăn đường phố:
+ Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm ATTP theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT.
+ Lấy mẫu kiểm nghiệm khi cần thiết.
2.2.4 Đối với cơ quan quản lý về ATTP cần nắm bắt thực trạng về:
+ Công tác chỉ đạo, việc triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP;
+ Công tác tuyên truyền giáo dục các quy định, kiến thức về ATTP;
+ Việc triển khai các đoàn thanh, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Trung thu;