Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai
thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg.
Quy hoạch tỉnh Gia Lai xác định 7 quản điểm phát triển, gồm: a) Phù hợp
với nghị quyết của Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu tỉnh
Đảng bộ; chiến lược, tầm nhìn phát triển của đất nước; các quy hoạch, kế
hoạch ngành quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng Tây Nguyên và các quy
hoạch, kế hoạch có liên quan; b) Phát triển bền vững; lấy sinh thái làm
nền tảng cho tăng trưởng; lấy ứng dụng số, chuyển đổi số để rút ngắn
khoảng cách và gia tăng chất lượng tăng trưởng; c) Phân bổ các nguồn lực
một cách hợp lý, kết hợp hiệu quả giữa nguồn lực nhà nước và tư nhân,
trong nước và ngoài nước; d) Phát triển hạ tầng theo hướng đồng bộ và
hiện đại, tập trung đảm bảo cho các ngành lĩnh vực ưu tiên; đ) Phát
triển không gian lãnh thổ theo hướng tập trung, có trọng tâm, trọng
điểm. Từng bước sắp xếp và tổ chức hợp lý không gian lãnh thổ đẩy mạnh
liên kết với Vùng Tây nguyên, Vùng Đông nam bộ và Khu vực Duyên hải miền
Trung. Lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động
lực tạo dư địa cho phát triển tỉnh Gia Lai. Quản lý và phát triển bền
vững hệ thống đô thị, nông thôn; e) Phát triển hài hoà giữa kinh tế với
văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, chủ động ứng
phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng Gia Lai
trở thành địa bàn chiến lược, vững mạnh, tăng cường đối ngoại và hội
nhập quốc tế.
Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và
bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng
trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong
tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Là tỉnh tiên phong trong
vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên
cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường
hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện
đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Ưu tiên phát triển
các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệp; Phát
triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm
nông nghiệp. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát
triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh
học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế
xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên.
Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Phát triển
kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con
người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng
xa. Đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên cho
nhân dân.
Đến năm 2050: tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe”,
điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản
sắc văn hóa. Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát
triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa
trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng
công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân
thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
CHI TIẾT TẠI ĐÂY